Quy định về việc giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng của một số cơ quan chức, chức danh nhà nước để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử
Thái Văn Kiện - Chi cục VTLT
2019-05-31T10:54:36+07:00
2019-05-31T10:54:36+07:00
https://binhphuoc.gov.vn/vi/snv/van-thu-luu-tru/quy-dinh-ve-viec-giu-lai-con-dau-het-gia-tri-su-dung-cua-mot-so-co-quan-chuc-chuc-danh-nha-nuoc-de-luu-tru-phuc-vu-nghien-cuu-lich-su-87.html
/themes/binhphuoc/images/no_image.gif
Bình Phước : Cổng thông tin điện tử
https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ sáu - 31/05/2019 10:54
Ngày 10 tháng 5 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quyết định số 19/2019/QĐ-TTg về việc giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng của một số cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử.
Theo đó, Quyết định có 9 điều và phụ lục kèm theo là mẫu Biên bản về việc bàn giao con dấu hết giá trị sử dụng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
Tại Điều 4. quy định con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước được giữ lại để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử.
Con dấu hết giá trị sử dụng của các cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước sau đây được giữ lại để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử:
1. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng thư ký Quốc hội.
2. Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Chính phủ, các bộ; cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Tổng cục (trừ các Tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng).
4. Văn phòng Chủ tịch nước.
5. Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
6. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
7. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.
Tại Điều 5. quy định trách nhiệm của cơ quan đăng ký mẫu con dấu và Lưu trữ lịch sử trong việc quản lý con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước
1. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký mẫu con dấu
a) Thu hồi con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước tại Điều 4 Quyết định này theo quy định.
b) Thông báo, bàn giao con dấu hết giá trị sử dụng cho Lưu trữ lịch sử tại cơ quan Lưu trữ lịch sử trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thu hồi con dấu. Việc bàn giao con dấu hết giá trị sử dụng được lập thành Biên bản bàn giao (theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Quyết định này).
2. Trách nhiệm của Lưu trữ lịch sử
a) Tiếp nhận con dấu hết giá trị sử dụng từ cơ quan đăng ký mẫu con dấu.
b) Vệ sinh, bảo quản an toàn con dấu hết giá trị sử dụng.
c) Thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về con dấu hết giá trị sử dụng.
d) Cung cấp con dấu hết giá trị sử dụng phục vụ nghiên cứu lịch sử tại Phòng đọc của Lưu trữ lịch sử theo quy định và thống kê, giao, nhận bằng sổ sách đầy đủ.
Tại Điều 6. Thẩm quyền quản lý và cho phép cung cấp con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để nghiên cứu lịch sử
1. Lưu trữ lịch sử ở trung ương quản lý con dấu hết giá trị sử dụng của các cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước ở trung ương. Lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh quản lý con dấu hết giá trị sử dụng của các cơ quan, tổ chức ở địa phương.
2. Người đứng đầu Lưu trữ lịch sử ở trung ương và cấp tỉnh cho phép cung cấp con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước bảo quản tại Lưu trữ lịch sử do mình quản lý.
Tại Điều 7. Trình tự xét duyệt cung cấp con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để nghiên cứu lịch sử
1. Cơ quan, tổ chức có nhu cầu nghiên cứu về con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước phải có văn bản gửi Lưu trữ lịch sử, trong đó nêu rõ thời gian, mục đích và nội dung nghiên cứu. Cá nhân có nhu cầu nghiên cứu về con dấu hết giá trị sử dụng tại Lưu trữ lịch sử phải có một trong những giấy tờ sau: thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu. Người đại diện cơ quan, tổ chức và cá nhân khi đến nghiên cứu con dấu hết giá trị sử dụng thực hiện đăng ký yêu cầu nghiên cứu theo quy định tại Phòng đọc của Lưu trữ lịch sử.
2. Người đứng đầu Lưu trữ lịch sử xét duyệt yêu cầu nghiên cứu của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quyết định cho phép cung cấp con dấu hết giá trị sử dụng. Thời hạn xét duyệt và thông báo kết quả xét duyệt là 01 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu.
Khoản 1, Điều 9 quy định Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quyết định này./.
Tác giả: Thái Văn Kiện - Chi cục VTLT