Đẩy mạnh tuyên truyền về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền

Thứ sáu - 08/11/2019 15:29
Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng ta đã xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chỉ rõ: Công tác cán bộ qua thực tiễn ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó nổi lên tình trạng bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, xảy ra ở một số nơi gây bức xúc trong Đảng và xã hội. Thực tế đã và đang diễn ra trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất cách mạng, thực hiện liêm, chính, khách quan trong công tác cán bộ để góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ đưa đất nước ngày càng phát triển thì có những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng, lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thậm chí thao túng quyền lực trong công tác cán bộ, “chạy chức, chạy quyền”. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đã cảnh báo rất rõ: Những hạn chế, khuyết điểm hiện nay trong Đảng đang làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã nhấn mạnh: Xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng.
Để triển khai thực hiện Quy định số 205 của Bộ Chính trị khóa XII có hiệu quả, đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền cần tập trung vào một số nội dung.

Trước hết, các cấp ủy đảng cần tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Quy định số 205 một cách nghiêm túc và thật sự có hiệu quả để nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quy định số 205 là sản phẩm trí tuệ, là quyết tâm chính trị, là sự tiếp nối tư tưởng chỉ đạo về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền của Đảng ta, nhất là trong bối cảnh các cấp ủy đảng đang chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Công tác tuyên truyền cần tập trung làm rõ Quy định số 205 đã nêu những định lượng cụ thể, giúp cán bộ, đảng viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhanh chóng đi vào cuộc sống, có hiệu quả. Về kiểm soát quyền lực, Quy định số 205 đã đưa ra cách tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực theo sáu nhóm chủ thể. Đó là, các tập thể, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ, để từ đó quy định cái gì các chủ thể được làm để bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, dân chủ; bảo đảm ý kiến của tập thể trong việc lựa chọn người đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào vị trí của công tác cán bộ. Với lĩnh vực chống chạy chức, chạy quyền, quy định đã nêu rõ hành vi, nhận diện rõ thế nào là “chạy chức, chạy quyền”, thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này. Theo đó, có sáu hành vi “chạy chức, chạy quyền”, tám hành vi bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền”. Quy định số 205 cũng nêu rõ việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác những người được phân công làm công tác nhân sự để tránh tình trạng ở một vị trí quá lâu, hoặc theo dõi công tác cán bộ trên một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công tác 5 năm liên tiếp hoặc khi cần thiết. Không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan, như bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp, chủ tịch ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn…
Công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh giáo dục liêm chính với những người trực tiếp làm công tác cán bộ. Những người trực tiếp công tác ở lĩnh vực này phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi đạo đức, phải cảnh giác như “đi trên băng mỏng”, như “đứng dưới vực sâu” mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc, để không bị “hơi lạnh của đồng tiền truyền qua người”, không bị ham muốn dụ dỗ và không bị vật chất đánh bại.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các “binh chủng” trong công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền những “tấm gương sống” về công tác cán bộ với thực tiễn của đất nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Các cơ quan báo chí cần mở chuyên mục triển khai thực hiện Quy định số 205 để phản ánh những tấm gương làm tốt công tác cán bộ ở các cấp, ngành, địa phương, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Công tác tuyên truyền cần chú trọng việc nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu làm công tác cán bộ trong việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự soi mình theo Di chúc của Bác: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đội ngũ làm công tác cán bộ phải thật sự gương mẫu, trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu biểu cho trí lực và đạo đức của ngành tổ chức xây dựng Đảng để minh chứng cho khâu “then chốt của then chốt” về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Ai cũng biết rằng, nếu để xảy ra những sai lầm về công tác cán bộ thì hết sức tai hại, thậm chí còn nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, chúng ta phải thấm nhuần tư duy kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm khi làm công tác cán bộ trên tinh thần đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chúng ta đều biết khi xử lý đồng chí của mình là một việc khó khăn, nhạy cảm, đau xót nhưng vì tinh thần “thượng tôn pháp luật” và tầm quan trọng của công tác cán bộ cho nên các cấp ủy đảng, chính quyền phải kiên quyết thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Do vậy, công tác tuyên truyền cũng cần nói rõ để cán bộ, đảng viên thấm nhuần việc xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền với các độ nghiêm khắc, cụ thể nhất như đã thể hiện trong Quy định số 205.
Khi tuyên truyền về Quy định số 205, cần nhấn mạnh Đảng ta đề ra cam kết chính trị với chính mình và với toàn Đảng, toàn dân. Do đó, trong việc triển khai quy định phải thấm nhuần phương châm: Có xây, có chống và xây trước, chống sau theo tinh thần: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực để quy định thật sự đi vào cuộc sống, góp phần làm cho công tác cán bộ - khâu “then chốt của then chốt” - của ngành tổ chức xây dựng Đảng, ngày càng góp phần đắc lực vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Quy định số 205 trước hết là nhằm cảnh báo, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền. Đồng thời đề cao lòng tự trọng, hình thành văn hóa công tác cán bộ, trách nhiệm nêu gương của người có thẩm quyền cũng như của nhân sự. Đề cao việc giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ.
Công tác tuyên truyền tập trung việc triển khai kế hoạch hướng dẫn giám sát công tác cán bộ và việc thực hiện quy định này, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm được phát hiện qua giám sát và phản ánh của các tầng lớp nhân dân. Quy định số 205 ra đời chính là cơ chế, tạo mọi điều kiện để nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ một cách hiệu quả. Do vậy, cần tăng cường, mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội để cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.
Các cấp ủy đảng triển khai có hiệu quả Quy định số 205 sẽ kiểm soát có hiệu quả được quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, góp phần thiết thực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu cao cả của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 

Tác giả: Huỳnh Thị Sang (Nguồn)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,878
  • Hôm nay519,305
  • Tháng hiện tại10,343,567
  • Tổng lượt truy cập455,738,689
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây